Điểm danh 7 bệnh lý thường gặp trong thai kì

03:59 Ngày 16/12/2020
Mang thai khiến sức đề kháng của mẹ bầu suy giảm rõ rệt. Do vậy chị em rất dễ phải đối mặt với nhiều bệnh lý nguy hiểm trong thai kì. Bài viết tổng hợp 7 vấn đề mẹ bầu thường gặp trong 9 tháng mang thai và lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa dành cho mẹ bầu.

1. Táo bón

Thống kê cho thấy khoảng 50% chị em khi mang bầu phải đối mặt với tình trạng táo bón. Giai đoạn này chị em thường vận động ít, nồng độ hormone progesteron trong máu tăng cao dẫn đến nhu động ruột giảm. Thai càng lớn càng tăng kích thước có thể gây chèn ép đại tràng dẫn đến khó đi ngoài.

Đặc biệt, trong quá trình mang thai mẹ bầu còn bổ sung các loại vitamin, sắt, canxi theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Các loại thực phẩm bổ sung này thường làm nóng cơ thể dẫn đến tăng nguy cơ bị táo bón.

Để ngăn ngừa tình trạng táo bón, chị em nên uống đủ nước, tăng cường ăn các thực phẩm giàu chất xơ, rau xanh, hoa quả … trong thực đơn hàng ngày.

2. Tiểu đường thai kì

Tiểu đường thai kì là tình trạng lượng đường trong máu của mẹ bầu tăng cao. Lúc này cơ thể của mẹ bầu không sản xuất đủ insulin để điều hòa lượng đường máu. Mẹ bầu sẽ có triệu chứng tăng cân mất kiểm soát, cơ thể mệt mỏi, đi tiểu nhiều lần… Tuy nhiên, để biết chắc chắn mẹ bầu có bị tiểu đường thai kì hay không cần phải thực hiện xét nghiệm máu dung nạp đường huyết vào thời điểm thai 24 – 30 tuần tuổi.

Ước tính khoảng 6% thai phụ ở Việt Nam phải đối mặt với tình trạng tiểu đường thai kì. Chị em mắc bệnh thường có nguy cơ phải sinh mổ vì con to hơn bình thường. Tình trạng này cũng khiến tăng nguy cơ trẻ bị béo phì, mắc đái tháo đường tuyp 2 và rối loạn phát triển thần kinh, vận động kém. Tiểu đường thai kì cũng làm tăng nguy cơ tiền sản giật, viêm bể thận, đa ối, sinh non…

Khi bị tiểu đường thai kì, mẹ bầu cần bắt buộc đi khám và ăn uống theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, giảm tối đa lượng đường trong khẩu phần ăn. Nếu lượng đường huyết vẫn quá cao bạn cần phải dùng thuốc để hạ đường huyết trong máu.

benh-ly-thuong-gap-khi-mang-thai-1

Ảnh hưởng của tiểu đường thai kì đến mẹ và thai nhi

3. Bệnh thiếu máu

Thiếu máu ở thai phụ chủ yếu là do thiếu sắt. Chị em bị thiếu máu có thể tăng nguy cơ bị sảy thai, bong nhau non, nhau tiền đạo, huyết áp cao, tiền sản giật, vỡ ối sớm, băng huyết, nhiễm trùng khi sinh… Thậm chí, thiếu máu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, mẹ bầu thiếu máu còn có thể khiến con sinh ra bị nhẹ cân, sinh non, suy thai và nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh. Để ngăn ngừa việc thiếu máu, chị em nên tích cực bổ sung sắt theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa và tăng cường ăn các thực phẩm có màu đỏ, thịt, trứng, cá, gan động vật, rau xanh… trong thai kì.

4. Chuột rút khi mang thai

Chuột rút khi mang thai là tình trạng cơ bắp co thắt, chủ yếu xảy ra ở phần bắp chân gây đau đớn. Chuột rút thường xảy ra vào ban đêm khiến mẹ bầu mất ngủ, thần kinh suy nhược.

Nghiên cứu cho rằng bạn có thể bị thiếu canxi gây nên tình trạng chuột rút. Tốt nhất nên xoa bóp nhẹ nhàng phần bắp chân để giảm bớt cường độ cơn đau và bổ sung canxi và vitamin D theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

benh-ly-thuong-gap-khi-mang-thai-2

Chuột rút khi mang thai gây nhiều phiền toái

5. Cảm cúm

Sức đề kháng của phụ nữ mang thai thường giảm sút nên tăng nguy cơ bị bệnh cảm cúm. Cách tốt nhất để tránh bị cúm khi mang thai là bạn nên tiêm phòng cúm ít nhất 1 tháng trước khi có thai. Ngoài ra, một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng sẽ giúp mẹ bầu phòng tránh được bệnh cảm cúm thông thường. Bạn nên bổ sung nhiều thực phẩm chứa vitamin C, hoa quả, rau xanh để cơ thể khỏe mạnh.

Xem thêm: Bị cảm cúm 3 tháng đầu thai kì nguy hiểm như thế nào?

6. Viêm nhiễm âm đạo

Thống kê cho thấy khoảng 70% phụ nữ mang thai mắc bệnh viêm nhiễm âm đạo. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, viêm âm đạo có thể khiến tăng nguy cơ sinh non, con nhẹ cân, suy dinh dưỡng, bị bệnh về mắt…

Viêm âm đạo rất khó điều trị triệt để. Bên cạnh vệ sinh vùng kín hàng ngày mẹ bầu cần kết hợp sử dụng thuốc đặt theo chỉ dẫn của bác sĩ để ngăn chặn vi khuẩn lây lan.

benh-ly-thuong-gap-khi-mang-thai-3

70% chị em bị viêm nhiễm âm đạo khi mang thai

7. Tiền sản giật

Thống kê cho thấy khoảng 6-8% số phụ nữ mang thai bị tiền sản giật. Chị em sẽ có biểu hiện phù chân, tay, mặt, cao huyết áp, xét nghiệm nước tiểu thấy lượng protein vượt quá mức cho phép. Tiền sản giận không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ, làm tăng nguy cơ tổn thương gan, thận, băng huyết khi sinh con mà còn có thể gây suy thai, thai chậm phát triển, thai lưu… Tiền sản giật còn là nguyên nhân gây bong non, phù phổi, xuất huyết não, rối loạn tâm thần… Đây là biến chứng rất nguy hiểm cho thai kì nên mẹ bầu cần phát hiện càng sớm càng tốt để kịp thời xử lý.

Trên đây là 7 bệnh lý mẹ bầu thường phải đối mặt trong thai kì của mình. Mẹ bầu nên đi siêu âm, thăm khám thường xuyên để phát hiện sớm bệnh và điều trị theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Tags: Hỏi đáp chuyên gia
ĐĂNG KÝ GẶP DƯỢC SỸ
Bài đọc nhiều nhất
Hỏi chuyên gia
KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI