Thai trứng (chửa trứng): Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

04:41 Ngày 23/06/2021
Thai trứng là một dạng u lành tính trong lòng tử cung, mặc dù không phải là bào thai nhưng vẫn gây nên các triệu chứng như thai nghén. Chửa trứng cần theo dõi để loại bỏ nguy cơ biến chứng thành ung thư nguyên bào nuôi. Đây là bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị sớm.

Thai trứng (chửa trứng) là gì?

Chửa trứng là bệnh lý khi bạn có triệu chứng nghén nhưng không phải là mang thai. Trong tử cung hình thành các lớp tế bào nuôi trong gai nhau, tạo thành nhiều túi nang chứa đầy dịch, dính thành chùm.

Thai trứng là dạng u lành tính trong lòng tử cung, nhưng có thể biến chứng thành ung thư nguyên bào nuôi, thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị sớm.

Trường hợp chửa trứng ác tính, gọi là chửa trứng xâm lấn, có thể khiến mô thai trứng xâm lấn vào cơ tử cung, dẫn đến thủng tử cung, chảy máu ổ bụng, di căn đến các cơ quan khác…

Mô trứng ác tính cần phải được loại ra khỏi cơ thể sau đó tiến hành hóa trị để tiêu diệt các tế bào ung thư ở cơ quan khác. Chửa trứng gây hậu quả nghiêm trọng nên cần phải chú ý theo dõi ít nhất sau 1 năm để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ ung thư.

Nguyên nhân gây Thai trứng (chửa trứng) là gì?

Nguyên nhân gây chửa trứng hiện vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, cơ chế dẫn đến thai trứng được nghiên cứu như sau:

Bình thường trứng và tinh trùng được thụ tinh sẽ tạo thành nhau thai, túi ối và dây rốn, di chuyển đến làm tổ ở lòng tử cung. Nhưng nếu trứng đã được thụ tinh nhưng phát triển bất thường sẽ tạo thành thai trứng. Nguyên nhân là do tế bào nuôi phát triển mạnh mẽ, dẫn đến mao mạch rốn và mô liên kết không kịp phát triển theo, làm thoái hóa, phù nề gai nhau dẫn đến tạo thành các túi dịch dính vào như chùm nho, xâm lấn buồng tử cung. Thai trứng có thể có đường kính từ 1 đến vài chục mm.

Phân loại thai trứng như thế nào?

  • Thai trứng toàn phần: Đây là tình trạng tinh trùng bình thường kết hợp với trứng không có thông tin di truyền, dẫn đến thai trứng không có phôi thai.
  • Thai trứng bán phần: Là tình trạng thụ tinh giữa 1 trứng và 2 tinh trùng, có thông tin di truyền đầy đủ nhưng hợp tử bất thường khiến phôi thai hỏng.

Nhận biết mang thai trứng như thế nào?

Các dấu hiệu giúp bạn nhận biết thai trứng như sau:

  • Trễ kinh.
  • Ra máu (rong huyết): Sau khi trễ kinh, bạn sẽ thấy ra máu vài tuần, lượng nhiều hoặc ít, màu đen sẫm, đỏ tươi, dịch loãng, kéo dài không dứt.
  • Nôn nghén nhiều, người mỏi mệt, suy nhược cơ thể.
  • Khi siêu âm thấy tử cung to hơn so với tuổi thai.
  • Không thấy tim thai sau tuần thứ 6 – 8 của thai kì.
  • Thiếu máu, thiếu sắt.
  • Triệu chứng của cường giáp như: nhịp tim nhanh, lo lắng nhiều, run tay, vã mồ hôi…

Việt Nam là đất nước có số lượng bệnh nhân mắc thai trứng khá cao, ước tính chiếm 1/500 phụ nữ có thai. Một số yếu tố nguy cơ là do dinh dưỡng kém, thiếu vitamin A, người mẹ mang thai khi tuổi cao (trên 35 tuổi) hoặc mang thai quá sớm (trước 20 tuổi) hoặc có tiền sử sảy thai, sinh con nhiều lần.  

Phòng ngừa bệnh Thai trứng (chửa trứng) như thế nào?

Chửa trứng chỉ có thể được phát hiện thông qua thăm khám. Bạn nên thăm khám ngay khi có các dấu hiệu mang thai để phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.

Nếu bạn đã từng bị chửa trứng cần phải theo dõi ít nhất 6 tháng – 1 năm trước khi có ý định mang thai lại. Trong kì mang thai tiếp theo mẹ bầu cũng cần chú ý thăm khám thường xuyên để tránh những biến chứng trong thai kì.

Chẩn đoán và điều trị chửa trứng như thế nào?

  1. Chẩn đoán thai trứng

Bác sĩ sẽ thực hiện một số biện pháp dưới đây để xác định rõ tình trạng bệnh của bạn:

  • Khám lâm sàng vùng bụng dưới và âm đạo để xác định có bất thường hay không, có bị ra máu hay không.
  • Xét nghiệm beta-hCG: Nồng độ HCG tăng lên rất cao, có thể vượt qua 30.000 đơn vị quốc tế.
  • Siêu âm: Siêu âm giúp chẩn đoán sớm việc chửa trứng. Bác sĩ có thể thực hiện siêu âm vùng bụng hoặc âm đạo sẽ thấy các hình ảnh tuyết rơi trong tử cung, không thấy phôi thai làm tổ.
  • Xét nghiệm FT3, FT4: Kết quả tăng cao cho thấy có biểu hiện cường giáp.
  1. Phương pháp điều trị chửa trứng như thế nào?
  • Nạo hút thai trứng: Đây là việc làm cần thiết giúp loại bỏ hoàn toàn khối thai trứng ra khỏi tử cung. Bác sĩ có thể nong, nạo hoặc hút nạo thai. Hút trứng cần dùng máy hút áp lực âm để hút nhanh, hạn chế chảy máu. Nạo hút lần 2 tiến hành sau 2-3 ngày.
  • Truyền dung dịch pha oxytocin: Giúp hồi tử cung, ngăn chặn mất máu.
  • Kháng sinh: Được dùng qua đường uống hoặc đường truyền để giảm nguy cơ nhiễm trùng tử cung.
  • Phẫu thuật cắt tử cung: Đây là biện pháp bắt buộc phải thực hiện để loại bỏ thai trứng ác tính, có thể gây thủng tử cung.

Sau khi điều trị thai trứng bạn cần theo dõi nồng độ Beta-hCG để khẳng định rõ đã loại bỏ hoàn toàn thai trứng hay chưa. Ngoài ra, bạn cũng nên theo dõi tránh thai trong khoảng 1 năm sau khi điều trị bệnh để ngăn ngừa nguy cơ tái phát.

 

ĐĂNG KÝ GẶP DƯỢC SỸ
Bài đọc nhiều nhất
Hỏi chuyên gia
KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI