Mối liên hệ giữa sảy thai liên tiếp và hội chứng kháng Phospholipids

08:58 Ngày 24/09/2020
Hội chứng kháng Phospholipid là một dạng bệnh lý tự miễn gây tăng đông máu. Phụ nữ mang thai mắc hội chứng này làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non. Vì vậy bạn nên tìm hiểu rõ về triệu chứng của kháng Phospholipids để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Xem thêm:

10 biện pháp ngăn ngừa sảy thai liên tiếp đơn giản nhất

Sau sảy thai nên ăn gì và kiêng ăn gì để sớm mang thai trở lại?

Nguyên nhân nào gây sảy thai không hoàn toàn?

1. Tìm hiểu chung về hội chứng kháng phospholipid

Hội chứng kháng phospholipid (có tên gọi khác là hội chứng Antiphospholipid) thuộc nhóm bệnh tự miễn. Hiểu một cách đơn giản, hệ thống kháng thể của người bệnh sẽ nhận định phospholipid là chất độc có hại và tấn công tiêu diệt chúng. Thế nhưng thực tế, phospholipid lại có vai trò quan trọng để cấu tạo nên các tế bào. Quá trình “nhận định nhầm” này sẽ khiến các tế bào bị thương tổn dẫn đến hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch và động mạch. Các cục máu đông này làm tăng nguy cơ sảy thai bất thường trong thời kì mang thai của mẹ bầu.

Hội chứng kháng thể kháng phospholipid làm tăng sự đông máu. Quá trình này cần thiết để cầm máu vết thương nhưng khi máu đông quá mức sẽ dẫn đến hệ quả tắc nghẽn dòng chảy và gây ra nhiều hệ lụy khác. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới.

Nhất là nguy cơ mắc hội chứng kháng thể kháng phospholipid ở phụ nữ mang thai rất cao. Cục máu đông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình dẫn truyền ô xi và dinh dưỡng đến thai nhi. Do vậy chúng là thủ phạm gây nên sảy thai, thai chết lưu và rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác đến thai kì.

hoi-chung-phospholipids

Hình ảnh hội chứng kháng Phospholipids

2. Hội chứng Antiphospholipid và sảy thai liên tiếp ở bà bầu

Hội chứng Antiphospholipid là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra sảy thai liên tiếp. Thống kê cho thấy khoảng 20% bà bầu bị sảy thai trên 3 lần là do mắc hội chứng này.

Cụ thể mẹ bầu mắc hội chứng kháng phospholipid sẽ có biểu hiện:

       - Sảy thai nhiều lần với thai kỳ dưới 10 tuần tuổi: Khi bạn khám để tìm lí do sảy thai, các bác sĩ sẽ cân nhắc về tiền sử thai kì như: sảy thai sau 10 tuần thai kỳ, sinh non do tiền sản giật nặng hoặc sảy thai quá nhiều lần ở tuổi thai nhỏ là do hội chứng Antiphospholipid. Nguyên nhân sảy thai liên tiếp cũng có thể đến từ các yếu tố khác như: bất thường nhiễm sắc thể, rối loạn nội tiết tố, phụ nữ mang thai khi lớn tuổi (trên 35 tuổi).

       - Sảy thai không rõ nguyên nhân với thai kỳ lớn hơn 10 tuần tuổi: Chỉ cần một lần bạn bị sảy thai không rõ nguyên nhân ở tuổi thai lớn hơn 10 tuần tuổi cũng nên làm xét nghiệm kiểm tra bệnh lý này.

       - Sinh non với thai chưa đủ 34 tuần tuổi: Tất cả các biểu hiện thai kì của bạn trước đó đều bình thường nhưng bạn đột nhiên sinh non trước 34 tuần tuổi do tiền sản giật nặng hoặc sản giật, thai nhẹ cân… cũng nên làm xét nghiệm kiểm tra hội chứng Antiphospholipid.

Nghiên cứu chỉ ra rằng kháng thể kháng phospholipid sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt hóa tiểu cầu, tế bào biểu mô, bạch cầu mono. Điều này dẫn đến sự đông máu, cục máu đông xuất hiện ở động mạch và tĩnh mạch ở mẹ bầu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của bánh nhau, từ đó dẫn đến sảy thai. Ngoài nguy cơ sảy thai, mẹ bầu mắc bệnh còn làm tăng khả năng sinh non, thai nhi chậm phát triển, huyết áp cao trong thai kì.

3. Hội chứng kháng Phospholipid nguy hiểm như thế nào?

hoi-chung-phospholipids-hinh-thanh-cuc-mau-dong

Hội chứng kháng Phospholipids hình thành cục máu đông rất nguy hiểm

Ngoài những nguy cơ ảnh hưởng đến thai kì của mẹ bầu, hội chứng kháng Phospholipid còn gây ra các biến chứng như:

       - Suy thận: Tình trạng đông máu bất thường gây giảm lưu lượng máu đến thận lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng suy thận.

       - Đột quỵ: Khi cục máu đông ngăn cản máu di chuyển lên não sẽ tăng nguy cơ đột quỵ bất ngờ, thậm chí gây chấn thương thần kinh vĩnh viễn.

       - Tim mạch: Huyết khối xuất hiện ở chân có thể làm giảm lượng máu chảy về tim dẫn đến tổn thương tim.

       - Phổi: Cục huyết khối di chuyển đến phổi gây thuyên tắc động mạch phổi dẫn đến tử vong đột ngột.

Nguyên nhân gây nên hội chứng này chưa có lí giải rõ ràng. Các nhà khoa học chỉ ra một số yếu tố nguy cơ như: người hút thuốc lá, người ít vận động, phụ nữ mang thai, chị em sử dụng thuốc tránh thai hoặc điều trị liệu pháp hormone, người có tiền sử thận hư, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu… Đặc biệt số lượng bệnh nhân nữ trong độ tuổi sinh sản mắc bệnh lý này rất cao.

4.  Điều trị hội chứng kháng Phospholilids như thế nào? 

Điều trị hội chứng này không phải điều dễ dàng. Các bác sĩ sẽ phải kiểm tra phối hợp các vấn đề sản phụ khoa, huyết học, thần kinh… để đưa ra phác đồ thích hợp.

Riêng với chị em có tiền sử mắc hội chứng này đã sảy thai trước đó cần phải được tư vấn dùng thuốc chống đông máu, thuốc kháng tiểu cầu để tránh biến cố nguy hiểm. Các loại thuốc này được sử dụng tùy thuộc vào mức độ bệnh lý và tiền sử bệnh tật của mẹ bầu.

Hiện nay để giảm nguy cơ sảy thai cho mẹ bầu, các bác sĩ chủ yếu sử dụng Heparin chưa phân đoạn (Heparin tự nhiên) và Aspirin. Hai loại thuốc này có tác dụng ức chế sự hình thành huyết khối và hỗ trợ điều hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên vấn đề điều trị cụ thể cho phụ nữ mang thai vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn để ngăn ngừa những biến cố đáng tiếc.

5. Biện pháp đề phòng hội chứng kháng Phospholilids ở mẹ bầu

Trong quá trình mang thai chị em cần chú ý:

       - Không tự ý sử dụng bất kì loại thuốc nào mà không có chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

       - Kiểm soát các bệnh lý tự miễn trước khi mang thai.

       - Không hút thuốc lá, ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.

       - Tiến hành làm xét nghiệm hội chứng Antiphospholipid

khong-hut-thuoc-de-tranh-hoi-chung-phospholipids

Tuyệt đối không hút thuốc để tránh hội chứng kháng Phospholipids

Mẹ bầu có tiền sử sảy thai liên tiếp nên thực hiện các xét nghiệm tổng quát tìm hiểu nguyên nhân cụ thể trước khi có ý định mang thai trở lại. Nhất là khi bạn mắc hội chứng kháng Phospholilids cần được bác sĩ tư vấn cụ thể để ngăn ngừa biến chứng đáng tiếc trong thai kì.

Tags: Dọa sảy thai , Động thai , Sảy thai
ĐĂNG KÝ GẶP DƯỢC SỸ
Bài đọc nhiều nhất
Hỏi chuyên gia
KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI