Hội chứng kháng Phospholipid và những biến chứng thai kì
Tìm hiểu chung về Hội chứng kháng Phospholipid
Hội chứng kháng Phospholipid còn được gọi là Antiphospholipid hoặc hội chứng kháng thể kháng phospholipid. Đây là bệnh lý thuộc nhóm tự miễn. Trong cơ thể của người bệnh, hệ miễn dịch sẽ bị nhầm lẫn phospholipid là chất có hại và tấn công chúng. Điều này dẫn đến tổn thương các tế bào, hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch và động mạch.
Ở người khỏe mạnh, đông máu là hiện tượng bình thường giúp cầm máu, làm lành các vết thương. Nhưng ở người mắc bệnh, tình trạng đông máu sẽ diễn ra đột ngột, quá mức dẫn đến tắc nghẽn máu rất nguy hiểm. Hội chứng này chiếm phần đông là nữ giới. Riêng đối với phụ nữ mang thai, hội chứng Antiphospholipid là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sảy thai, thai chết lưu và hàng loạt những biến chứng nguy hiểm khi sinh nở.
Hội chứng Antiphospholipid ảnh hưởng đến thai kì như thế nào?
Những biến chứng trong thời kì mang thai được coi là biểu hiện lâm sàng của hội chứng Phospholipid như:
- Chị em ít nhất 1 lần thai lưu không rõ lí do từ tuần thai thứ 10 trở lên (lúc này thai nhi đã có tim thai và không phát hiện bất thường trong quá trình khám thai).
- Chị em ít nhất 1 lần sinh non do sản giật, tiền sản giật, suy tuần hoàn nhau thai…
- Chị em có ít nhất 3 lần sảy thai liên tiếp không phát hiện nguyên nhân.
Hội chứng kháng Phospholipid là nguyên nhân hàng đầu gây sảy thai
Hội chứng Kháng Phospholipid có thể là nguyên nhân hàng đầu gây nên sảy thai ngoài ý muốn. Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy phụ nữ mang thai mắc hội chứng này sẽ có tiểu cầu, tế bào biểu mô, bạch cầu mono bị đông lại dẫn đến hình thành huyết khối trong lòng tĩnh mạch và động mạch. Điều này dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng đến bánh nhau, không thể truyền dinh dưỡng và oxi cho thai nhi dẫn đến sảy thai liên tiếp. Ngoài ra, hội chứng này cũng là thủ phạm khiến thai chết lưu, thai nhi chậm phát triển…
Hội chứng kháng thể kháng Phospholipid có điều trị được không?
Muốn biết chắc chắn mình có mắc hội chứng Antiphospholipid hay không bạn nên thực hiện xét nghiệm máu. Nếu kết quả dương tính với anti-cardiolipin, yếu tố kháng đông lupus hoặc kháng thể anti-beta-microglobulin và qua khai thác tiền sử biến chứng thai kì thì có thể khẳng định chắc chắn bạn đang mắc hội chứng này.
Hiện nay Y học hiện đại vẫn chưa có một lộ trình điều trị dứt điểm hội chứng Antiphospholipid. Tuy nhiên có một số phương pháp được ứng dụng để hạn chế những biến chứng thai kì cho bà bầu như:
- Phối kết hợp Heparin chưa phân đoạn (Heparin tự nhiên) và Aspirin dùng cho phụ nữ mang thai để giảm nguy cơ sảy thai và tăng sự sống cho thai nhi. Đây là 2 loại thuốc chống đông máu, ngăn ngừa hình thành huyết khối và tăng cường miễn dịch cho bà bầu. Bác sĩ có thể tư vấn bạn dùng liều lượng Heparin 5000 – 10.000 IU 2 lần/ngày và 81mg Aspirin. Tuy nhiên, bạn cũng cần nghe tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, theo dõi thường xuyên để tránh những biến chứng không mong muốn trong thai kì.
Thuốc chống đông máu cần đặc biệt cẩn trọng dùng cho phụ nữ mang thai
Ngoài ra, để giảm thiểu những tai biến nguy hiểm, mẹ bầu cần chú ý thay đổi một số thói quen sinh hoạt tốt cho hệ tuần hoàn máu như:
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, tập Yoga…
- Tăng cường bổ sung chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, vitamin, hạn chế các đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, thức ăn nhanh vừa không có lợi cho thai nhi vừa ảnh hưởng đến quá trình luân chuyển máu.
- Kiểm soát cân nặng, tránh béo phì, thừa cân.
- Tuyệt đối không hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng chất kích thích…
- Trong trường hợp bạn đang dùng các loại thuốc chống đông máu cần chú ý sử dụng các loại bàn chải mềm, tránh gây tổn thương chân, tay, cẩn thận khi dùng các vật sắc nhọn, dao kéo, hạn chế ăn các thực phẩm giàu vitamin K…. Lí do là bởi thuốc chống đông máu có thể khiến bạn mất máu rất nhiều ở những vết thương nhỏ nhất.
- Thường xuyên thăm khám thai định kì theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Hội chứng kháng Phospholipid rất nguy hiểm cho bà bầu. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên các biến chứng sảy thai liên tiếp, lưu thai đột ngột, thai chậm phát triển, sinh non, tiền sản giật… Nếu bạn có tiền sử sảy thai không rõ lí do nên tới bệnh viện để thăm khám và nghe bác sĩ tư vấn cụ thể.
-
Ngôi thai ngược được hiểu là khi đầu của bé quay về phía ngực của...
-
Tình trạng dây rốn quấn cổ còn được gọi là tràng hoa quấn cổ có...
-
Ra máu khi mang thai tháng cuối còn được gọi là máu báo sinh. Hiện...
-
Khi mang thai, tình trạng ra máu luôn khiến mẹ bầu lo lắng. Nhưng ra...
-
Tim thai là mốc quan trọng hàng đầu cho thấy thai nhi khỏe mạnh và...