11 điều mẹ bầu nên biết về siêu âm thai trong suốt thai kì
1. Siêu âm thai được thực hiện thế nào?
Siêu âm được diễn ra trong phòng có máy siêu âm, thiết bị siêu âm và bác sĩ chuyên khoa hình ảnh tư vấn cho bạn. Bạn sẽ nằm trên giường y tế, lộ vùng bụng (nếu siêu âm qua thành bụng) hoặc vùng kín (nếu siêu âm đầu dò âm đạo).
Bác sĩ sẽ thực hiện bôi gel lên thiết bị siêu âm sau đó đặt lên thành bụng hoặc âm đạo. Hình ảnh siêu âm hiển thị lên màn hình theo hình ảnh đen trắng nếu siêu âm 2D và màu cam nếu siêu âm 4D.
Siêu âm thành bụng bằng máy móc hiện đại
2. Mẹ bầu cần chuẩn bị gì trước khi siêu âm?
Siêu âm ở 3 tháng đầu nên uống nhiều nước để hình ảnh siêu âm rõ nét nhất. Còn sau tam cá nguyệt thứ nhất, bạn nên làm sạch bàng quang trước khi đi siêu âm. Hiện nay, trước khi siêu âm thường thực hiện lấy nước tiểu để làm xét nghiệm phân tích viêm đường tiết niệu ở các phòng khám.
Bạn cũng không nên dùng các loại kem bôi ít nhất 48 tiếng trước khi siêu âm. Siêu âm thai không gây đau nên mẹ bầu không nên lo lắng.
3. Siêu âm thai có hại cho thai nhi không?
Siêu âm là hình thức chẩn đoán sự phát triển của thai nhi từ rất lâu đời và hoàn toàn không có hại. Khoa học cũng không hề có bất cứ tài liệu nào khẳng định siêu âm có hại cho thai nhi nên bạn không cần phải lo lắng. Ngay cả khi dùng thiết bị đầu dò siêu âm thai cũng vậy.
4. Lịch siêu âm thai cho mẹ bầu
Mặc dù lịch siêu âm có thể thực hiện ở bất kì giai đoạn nào trong thai kì nhưng theo bác sĩ chuyên khoa có 4 mốc bạn không thể bỏ qua là:
- Thai nhi 7 – 8 tuần tuổi.
- Mốc thai nhi 12 tuần đến 13 tuần 6 ngày tuổi.
- Mốc thai nhi 19 tuần đến 22 tuần tuổi.
- Mốc thai nhi từ 30 tuần đến 32 tuần.
Hình ảnh siêu âm thai 8 tuần tuổi đã có tim thai
5. Thời gian siêu âm thai bao lâu là đủ?
Thời gian siêu âm chỉ cần kéo dài trong khoảng 15-30 phút. Trong trường hợp thai khó đánh giá, không xem xét được hết hình thái cử động của thai bác sĩ có thể khuyên mẹ bầu nên đi bộ khoảng 15 phút sau đó quay lại siêu âm hoặc rời sang thời điểm khác.
6. Tại sao phải siêu âm thai càng sớm càng tốt?
Ngay khi biết có thai, bạn phải thực hiện siêu âm sớm để:
- Loại bỏ nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
- Xác định có tim thai hay không.
- Xác định số lượng thai và ngày dự kiến sinh.
- Chẩn đoán những bất thường ở tử cung.
7. Siêu âm thời điểm 12 tuần đến 13 tuần 6 ngày quan trọng như thế nào?
Mốc siêu âm thai từ 12 tuần đến 13 tuần 6 ngày có vai trò như sau:
- Xác định tuổi thai và dự kiến ngày sinh.
- Sàng lọc nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể bằng cách đo độ mờ da gáy, nếu lớp dịch này quá dày là dấu hiệu thai bất thường. Bạn nên kết hợp làm xét nghiệm máu Double test giúp phát hiện 90% thai nhi mắc hội chứng Down.
- Phát hiện sớm những bất thường về hình thái, tay, chân, hộp sọ, bánh nhau, dị tật ống thần kinh.
8. Siêu âm hình thái thai nhi 19 tuần đến 22 tuần để làm gì?
Đây là thời gian tốt nhất để theo dõi cấu trúc thai. 22 tuần là mốc thời gian quan trọng để bác sĩ chuyên khoa đánh giá cấu trúc hộp sọ, não bộ, khuôn mặt, dạ dày, tim, thận, phổi, gan của bé…
Siêu âm mốc này còn giúp bác sĩ xem xét bánh nhau, dây rốn và nước ối của thai nhi. Bác sĩ có thể sẽ thực hiện đo chiều dài cổ tử cung để xem xét nguy cơ sinh non của mẹ bầu.
Ngoài ra, bác sĩ còn có thể đo các chỉ số vòng đầu, đường kính lưỡng đỉnh, chiều dài xương đùi, vòng bụng, cân nặng … của bé để mẹ bầu xây dựng chế độ ăn uống phù hợp.
Siêu âm thai 22 tuần tuổi đánh giá hình thái cơ thể
9. Siêu âm thai 30 tuần đến 32 tuần bao gồm gì?
Đây cũng là mốc siêu âm không thể bỏ qua trong quá trình mang thai. Bác sĩ sẽ đánh giá cân nặng của thai nhi, nếu quá nhỏ mẹ bầu cần ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thông thường cân nặng được chẩn đoán sẽ lệch khoảng 10% so với thực tế.
Bác sĩ siêu âm sẽ sử dụng Doppler để chẩn đoán tuần hoàn thai, nguy cơ thiếu hụt oxi hoặc đánh giá bánh nhau để tiên lượng cho thai nhi. Trường hợp thai nhỏ bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi sát sao thai nhi qua những lần siêu âm tiếp theo.
Hầu hết các trường hợp thai lớn hơn so với bình thường là vô hại. Tuy nhiên cũng không thể loại trừ thai có cân nặng vượt chuẩn do người mẹ mắc tiểu đường thai kì rất nguy hiểm. Bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm có liên quan để loại trừ nguy cơ tiền sản giật.
Ngoài ra, siêu âm mốc này còn giúp đánh giá các vấn đề tổn thương vỏ não, tắc ruột, hẹp bể thận – niệu quản, Rubella, nhiễm trùng Zika…
10. Siêu âm có phát hiện hết bất thường của thai nhi không?
Siêu âm phát hiện rất nhiều bất thường về hình thái của thai nhi. Nhưng một số bệnh lý không thể chẩn đoán được qua hình ảnh siêu âm như tự kỉ bẩm sinh, bại não, chậm phát triển trí tuệ… Những bệnh lý không liên quan đến bất thường về cấu trúc thai thì không thể phát hiện được.
11. Nếu kết quả siêu âm có vấn đề mẹ bầu nên làm gì?
Trường hợp thai nhi có bất thường bạn không nên quá lo lắng mà cần tái khám ở nơi uy tín và nghe tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Một số bất thường có thể tự mất khi tuổi thai lớn, nhưng cũng có một số vấn đề chỉ sinh ra mới điều trị được.
Trên đây là 11 điều mẹ bầu nào cũng cần biết về siêu âm thai. Mong rằng bạn đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích để có 9 tháng mang bầu khỏe mạnh và thai kì “mẹ tròn con vuông”!
-
Ngôi thai ngược được hiểu là khi đầu của bé quay về phía ngực của...
-
Tình trạng dây rốn quấn cổ còn được gọi là tràng hoa quấn cổ có...
-
Ra máu khi mang thai tháng cuối còn được gọi là máu báo sinh. Hiện...
-
Khi mang thai, tình trạng ra máu luôn khiến mẹ bầu lo lắng. Nhưng ra...
-
Tim thai là mốc quan trọng hàng đầu cho thấy thai nhi khỏe mạnh và...