Bị khó thở tháng cuối thai kì, mẹ bầu phải làm sao?
Triệu chứng nhận biết khó thở khi mang thai
Không phải chỉ đến những tháng cuối thai kỳ mẹ mới cảm nhận được tình trạng này mà nó có thể xuất hiện ngay cả trong tam cá nguyệt đầu tiên. Đây là triệu chứng khá bình thường, thường gặp ở hầu hết các mẹ bầu và có thể sẽ song hành cùng mẹ trong suốt quá trình mang thai.
Tình trạng khó thở có thể khiến mẹ khó chịu, mệt mỏi nhưng nó lại không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ và thai nhi nên mẹ bầu có thể yên tâm. Thay vì tìm cách để “dễ thở”, hãy chăm sóc sức khỏe thật tốt bằng chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng và tập luyện nhẹ nhàng.
Nguyên nhân gây khó thở khi mang thai
Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu gặp phải tình trạng khó thở. Đó có thể là những nguyên nhân khách quan do sự thay đổi bên trong cơ thể của mẹ khi mang bầu và cũng có thể là do mẹ mắc một vài bệnh lý nào đó gây nên.
Khi mang thai, hormone của mẹ thay đổi, đặc biệt là progesterone. Hormone này ảnh hưởng trực tiếp đến phổi và có khả năng kích thích trung tâm hô hấp ở não của mẹ bầu dẫn đến tình trạng mẹ bầu cảm thấy khó thở và thở gấp hơn bình thường.
Bên cạnh đó, khi mang bầu, tử cung của mẹ lớn dần để thích ứng với sự lớn lên mỗi ngày của thai nhi. Khi tử cung mở rộng sẽ chèn ép cơ hoành khiến bạn cảm thấy khó thở. Ngoài ra, trong quá trình mang thai, nếu không được cung cấp đủ dinh dưỡng, mẹ bầu dễ bị thiếu máu. Thiếu máu nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến khó thở.
Bên cạnh đó, còn có một vài nguyên nhân khác như:
– Hen suyễn:
Nếu mẹ bầu có tiền sử bị hen suyễn thì khi mang thai mẹ sẽ thường xuyên gặp phải tình trạng khó thở. Bạn cần nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn các phương pháp khắc phục an toàn khi có ý định mang thai để bảo vệ cả mẹ và con trong suốt thai kỳ, tránh những biến chứng xấu.
– Thuyên tắc phổi:
Là tình trạng xảy ra khi huyết khối bị kẹt ở trong động mạch phổi. Nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động thở, gây đau ngực, ho và khó thở.
– Bệnh cơ tim chu sản:
Đây là một loại của suy tim có thể xảy ra trong quá trình mang thai hoặc ngay sau khi sinh. Bệnh có các triệu chứng như sưng mắt cá chân, mệt mỏi, huyết áp thấp và tim đập nhanh. Những triệu chứng này đều có thể dẫn đến tình trạng khó thở khi mẹ đang mang bầu.
– Giữ nước:
Khi mang thai, một số phụ nữ gặp phải tình trạng phù nề. Đây là dạng giữ nước khá nghiêm trọng và phổ biến ở mẹ bầu. Phù nề có thể ảnh hưởng đến phổi và xoang mũi, dẫn đến tình trạng khó thở.
– Thiếu máu:
Khi bị thiếu máu, cơ thể sẽ phải làm việc nhiều hơn để tạo ra oxy đi khắp các cơ quan bên trong cơ thể. Chính vì phải làm việc nhiều hơn mà cơ thể trở nên mệt mỏi và khiến mẹ bầu cảm thấy khó thở.
Khó thở khi mang thai có nguy hiểm không?
Khó thở gây ra do sự thay đổi bên trong cơ thể mẹ khi mang thai thì không nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ. Tình trạng này sẽ biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu khó thở do thiếu máu hoặc một số bệnh lý khác thì bạn nên đi khám bác sĩ để được chỉ dẫn cách khắc phục hiệu quả. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, ở mức độ nặng sẽ gây hại cho sức khỏe của cả hai mẹ con.
Khi nào nên gặp bác sĩ?
Khó thở tuy là trạng thái thường gặp ở bà bầu nhưng mẹ cũng không được chủ quan, xem nhẹ. Nếu gặp phải các biểu hiện dưới đây, hãy đi khám ngay để tránh biến chứng nguy hiểm:
- Tim đập nhanh, nhịp tim tăng cao
- Khó thở kèm đau ngực khi thở
- Ngón tay, chân, môi chuyển sang màu xanh
- Thở khò khè
Những biểu hiện này có thể là biểu hiện của sự xuất hiện các cục máu đông nên bạn cần đi khám, siêu âm để cho kết quả chính xác nhằm đưa ra cách điều trị kịp thời, hiệu quả.
Khắc phục tình trạng khó thở khi mang thai
Khó thở khi mang thai đa số là do sự thay đổi hormone gây ra nên rất khó để thay đổi hoặc trị dứt điểm. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể làm theo một số cách dưới đây để làm giảm sự khó chịu và cảm thấy dễ thở hơn:
- Khi cảm thấy khó thở hãy thay đổi tư thế. Nếu đang ngồi, mẹ nên ngồi thẳng lưng và đẩy vai ra phía sau. Còn nếu đang nằm, mẹ nên chèn gối ở phía trên để giảm áp lực của tử cung lên cơ hoành. Ngoài ra, mẹ bầu nên chọn tư thế nằm nghiêng sang bên trái để giúp tử cung không đè lên động mạch, giúp cải thiện tình trạng khó thở.
- Hãy thường xuyên tập những bài tập nhẹ nhàng dành cho bà bầu như yoga, đi bộ, bơi lội… vì chúng giúp điều hòa và kiểm soát hơi thở để giảm bớt tình trạng khó thở thường gặp.
- Cùng với đó, mẹ bầu nên dành nhiều thời gian đến nghỉ ngơi, không nên làm việc nặng, làm việc quá sức. Đặc biệt, khi cảm thấy khó thở hãy ngừng tất cả việc đang làm và dành một chút thời gian nghỉ ngơi để lấy lại trạng thái thông thường.
Chúc mẹ bầu luôn có thai kì khỏe mạnh!
-
Ngôi thai ngược được hiểu là khi đầu của bé quay về phía ngực của...
-
Tình trạng dây rốn quấn cổ còn được gọi là tràng hoa quấn cổ có...
-
Ra máu khi mang thai tháng cuối còn được gọi là máu báo sinh. Hiện...
-
Khi mang thai, tình trạng ra máu luôn khiến mẹ bầu lo lắng. Nhưng ra...
-
Tim thai là mốc quan trọng hàng đầu cho thấy thai nhi khỏe mạnh và...